Khi đã quyết định thôi việc, điều mà bất cứ nhân viên nào cũng mong muốn chính là ra đi một cách êm đẹp và giữ được mối quan hệ hợp tác trong tương lai. Để có được kết quả này không phải là chuyện quá khó khăn bởi bí quyết đều nằm ở email xin nghỉ việc của bạn. Vậy làm sao để có một đơn xin nghỉ việc chuyên nghiệp, lịch sự và giàu thiện chí? Những bí quyết sau đây sẽ giúp bạn.
Ghi rõ thời gian nghỉ việc
Bạn cần ghi cụ thể thời gian nghỉ việc chính thức để công ty có thời gian tìm người mới thay thế vị trí của bạn. Thông thường, bạn phải thông báo nghỉ việc trước ít nhất 3 ngày làm việc nếu hợp đồng lao động theo thời vụ, trước 30 ngày nếu là hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trong đó, đừng quên đề nghị ở lại làm việc lâu hơn nếu công việc của bạn phức tạp và có nhiều vấn đề cần bàn giao cho người mới. Hành động này sẽ để lại ấn tượng tốt cho sếp và công ty của bạn.
Lý do nghỉ việc thuyết phục
Khi nhìn thấy tiêu đề xin nghỉ việc, chắc chắc sếp sẽ rất muốn biết lí do của bạn là gì. Một lí do hợp tình hợp lý sẽ thuyết phục sếp tạo điều kiện cho bạn ra đi một cách thuận lợi và nhẹ nhàng nhất. Để ra lí do khiến sếp không thể chối từ, hãy vận dụng sự hiểu biết về sếp và tình hình hiện tại của công ty. Chẳng hạn, nếu sếp là người luôn muốn tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và phát triển nhưng công ty chưa thể đáp ứng được, hãy nói rằng bạn cần một môi trường mới có nhiều cơ hội hơn. Nếu đưa ra lí do với một thái độ chân thành sếp sẽ cảm thông cho bạn vì nhân viên nào cũng cần nhu cầu phát triển bản thân.
Đừng đưa ra các lí do chung chung như muốn có thời gian để nghỉ ngơi hoặc muốn có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình nếu bạn thực sự muốn rời đi. Sếp có thể duyệt cho bạn nghỉ phép dài ngày hoặc sắp xếp lại công việc để “giữ chân”, và vô tình quá trình xin nghỉ việc của bạn sẽ kéo dài và trở nên gian nan hơn.
Một lá thư xin hay email thôi việc phù hợp chắc chắn sẽ giúp bạn rời khỏi công ty trong tốt đẹp, đồng thời giúp bạn duy trì các mối quan hệ trong tương lai. Hãy nhớ thể hiện sự chuyên nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi, và hãy chứng tỏ với sếp rằng, bạn rất vui đã được làm việc cùng mọi người. Bằng cách đó, bạn sẽ được đánh giá tích cực nếu công ty sau này tham khảo ý kiến của sếp cũ.
Không đưa ra những lời chỉ trích hay phê phán
Cho dù bạn có bất mãn với công việc, với cấp trên và đồng nghiệp đến đâu thì cũng đừng “xả” vào đơn xin nghỉ việc của mình. Đơn xin nghỉ việc là một hình thức thông báo bạn sẽ chia tay công việc hiện tại, nhưng cũng là nơi để bạn thể hiện sự tôn trọng đối với những người đã từng đồng hành cùng mình. Có một câu nói rằng “Bạn có thể nhìn rõ tính cách của một người qua cách họ thôi việc”. Vì vậy, hãy biết kiềm chế cảm xúc của mình, dùng ngôn ngữ nhã nhặn, tích cực và khách quan. Đừng để mọi người có lí do chỉ trích hoặc nói xấu bạn sau khi nghỉ việc nhé.
Ngôn ngữ xúc tích
Một trong những nguyên tắc đầu tiên của một lá thư hay email xin thôi việc là bạn cần phải viết ngắn gọn, súc tích, và dùng những ngôn từ thân thiện. Cho dù bạn có bất mãn với công ty hay cấp trên, hãy viết những điều tích cực và tránh sa đà vào cảm xúc.
Đừng quên lời cảm ơn
Dù thời gian gắn bó với công ty ngắn hay dài nhưng mỗi công việc đều mang lại cho bạn những trải nghiệm và kinh nghiệm nhất định. Dù có thể là những trải nghiệm khó nhằn hay những kinh nghiệm “đau thương” thì thực tế nó cũng giúp bạn trưởng thành hơn rất nhiều trong công việc. Vậy nên, trong thư hay email bạn nên trình bày những điều tốt đẹp đó đã ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp của bạn như thế nào. Đồng thời, cũng đừng quên gửi lời cảm ơn đến những người sắp trở thành “sếp và đồng nghiệp cũ” đã hỗ trợ và tạo điều kiện để bạn phát triển trong thời gian vừa qua. Hai chữ “cảm ơn” không bao giờ là vô ích trong trường hợp này.
Chắc chắn trước khi nghỉ việc, bạn sẽ còn những công việc đang dang dở, có ảnh hưởng đến các đồng nghiệp khác cũng như người mới thay thế bạn. Vì vậy, hãy báo cáo rõ ràng về tình trạng của tất cả công việc bạn đảm nhiệm trước khi rời vị trí. Đồng thời, cũng nên hứa hẹn sẽ cố gắng bàn giao công việc hoàn tất, giữ thông tin liên lạc và hỗ trợ hết mình nếu có vấn đề xảy ra sau khi nghỉ việc. Điều này không chỉ thể hiện sự nhiệt tình đối với đồng nghiệp khác mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và thái độ chuyên nghiệp của bạn.
Một đơn xin nghỉ việc thể hiện thái độ nghiêm túc và văn phong đúng mực luôn mang lại kết quả tốt. Khi “ra đi” với phong cách chuyên nghiệp sẽ tạo cho bạn tư thế của một “kẻ chiến thắng” và mở rộng đường quay về nếu công việc mới không thuận lợi như mong muốn. Vậy nên, hãy luôn thể hiện sự thân thiện và chuyên nghiệp, ngay cả trong đơn xin nghỉ việc, bạn sẽ luôn nhận được điều xứng đáng.
S.T Bảo Ngọc