0912232334

NGHỆ THUẬT TỪ CHỐI TRONG GIAO TIẾP

Nói lời từ chối chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt ở đây là từ chối một lời mời làm việc mà bạn đã rất khó khăn để có được. Vậy từ chối như thế nào để vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với nhà tuyển dụng và mở rộng cơ hội làm việc cùng nhau trong tương lai? Cùng tham khảo những gợi ý sau đây nhé!

Mong muốn giữ liên lạc

Thế giới tìm việc, đặc biệt ở một số ngành nghề rất nhỏ bé. Do đó, việc tạo mối quan hệ tốt với nhà tuyển dụng có thể giúp bạn có cơ hội hợp tác với họ trong tương lai hoặc với những người mà họ quen biết. Bạn có thể bắt đầu xây dựng mối quan hệ bằng cách đề cập đến các vấn đề đã thảo luận trong buổi phỏng vấn như một sự kiện hoặc hội nghị mà cả bạn và nhà tuyển dụng đều sẽ tham dự. Chẳng hạn, “Tôi hi vọng sẽ gặp lại anh/chị vào tháng tới tại hội nghị…”. Nếu không, bạn có thể đưa ra một lời chúc tốt đẹp như “Cảm ơn anh/chị vì đã dành thời gian cho tôi và xin chúc anh/chị mọi điều tốt đẹp nhất” hoặc “Thật vui khi được biết anh/chị, hy vọng rằng chúng ta sẽ có nhiều cơ hội gặp mặt trong thời gian tới.”

Đưa ra lý do ngắn gọn

Bạn không cần phải nêu lí do chi tiết tại sao bạn từ chối, hoặc bày tỏ rằng bạn đã trải qua một thời gian khủng khiếp để đưa ra quyết định mà chỉ cần một lời giải thích cơ bản là đủ. Ví dụ, “Sau khi xem xét cẩn thận, tôi đã chấp nhận lời mời làm việc tại một công ty khác” hoặc “Mặc dù vị trí này có nhiều tiềm năng phát triển nhưng tôi đã quyết định theo đuổi một vai trò khác có nhiều cơ hội để thực hiện đam mê của mình”.

Nếu vị trí đó có vẻ không ổn và lý do thực sự duy nhất của bạn là tiếp tục tìm việc hơn là chấp nhận, bạn chỉ cần nói đơn giản “Công việc này không phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của tôi vào thời điểm này”. Với bất cứ lý nào bạn đưa ra, hãy giữ thông điệp ngắn gọn, tôn trọng và lịch sự nhất có thể.

Bày tỏ sự biết ơn

Bạn có biết rằng nhà tuyển dụng có thể đã mất vài giờ để đọc hồ sơ, tìm kiếm bạn trên các mạng xã hội, xem xét kinh nghiệm làm việc của bạn trong số rất nhiều hồ sơ khác và phỏng vấn bạn? Vì vậy, hãy nhớ bày tỏ sự biết ơn đối với thời gian và công sức họ đã dành cho bạn, chẳng hạn: “Cảm ơn chị rất nhiều vì đã đề nghị vị trí… Tôi rất cảm kích khi chị dành thời gian để xem xét hồ sơ và trả lời rất nhiều câu hỏi của tôi về công ty và công việc” hay “Cảm ơn chị một lần nữa về buổi phỏng vấn vào tuần trước, thật vui khi có cơ hội gặp gỡ các đồng nghiệp tiềm năng cũng như được xem văn phòng làm việc. Tôi rất muốn học hỏi thêm về vị trí…, và tôi rất hào hứng khi nhận được lời đề nghị làm việc này”.

Trả lời càng sớm càng tốt

Chúng ta ai cũng muốn có nhiều lựa chọn hơn cho mình và cần thời gian “cân đo đong đếm” trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên sẽ không công bằng cho doanh nghiệp hoặc các ứng viên cùng ứng tuyển khác nếu bạn cứ kéo dài thời gian trả lời. Dù chọn cách giao tiếp qua điện thoại hoặc email, bạn nên thông báo cho nhà tuyển dụng càng sớm càng tốt. Trả lời nhanh chóng là điều quan trọng thể hiện thái độ lịch sự và tránh “đốt cháy” mối quan hệ với nhà tuyển dụng bởi biết đâu bạn có thể ứng tuyển vào công ty đó một lần nữa.

Từ chối một lời mời làm việc, dù là việc bạn không muốn thì cũng không phải là điều dễ dàng, nhưng đây là một phần tất yếu trong hành trình tìm kiếm công việc mơ ước mà bạn cần trải qua. Vì vậy, hãy tỏ ra chuyên nghiệp và lịch sự để dù không hợp tác ở hiện tại nhưng vẫn không đóng sập “cánh cửa” làm việc cùng nhau trong tương lai nhé!

S.T Bảo Ngọc

 

 

Not found