Bắt đầu một công việc mới có lẽ là một trong những trải nghiệm quý giá đối với mỗi người bởi cảm giác được công nhận như một người trưởng thành. Điều này gợi nhớ đến ngày đầu tiên đến trường: sự pha trộn giữa sự căng thẳng, hồi hộp và áp lực để bắt đầu một công việc mới với sếp, đồng nghiệp và môi trường hoàn toàn xa lạ.
Khi trở thành lãnh đạo, chắc chắn bạn sẽ có những nhân viên mới, với những căng thẳng và áp lực mới. Vì vậy, cách bạn chào đón những nhân viên này sẽ tạo ấn tượng quan trọng ngay từ phút đầu tiên. Bởi điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân viên, giữ họ ở lại lâu dài với công ty. Dưới đây là một số lời khuyên cho lãnh đạo để giúp nhân viên mới làm quen và thích nghi với môi trường mới.
1/ Mở bữa tiệc thân mật chào mừng
Không có gì cô đơn hơn với nhân viên mới khi phải ngồi một mình trong môi trường mới với những người xa lạ. Với vai trò là một người lãnh đạo, bạn nên tạo sự gắn kết giữa mọi người nhay từ ngày làm việc đầu tiên. Hãy mời các nhân viên mới đi ăn trưa hoặc tham dự một bữa tiệc thân mật để giới thiệu họ với mọi người. Như vậy sẽ tạo cảm giác thân thiện, thoải mái để họ nhanh chóng hòa nhập vào tập thể.
2/ Tạo sự kết nối giữa các nhân viên mới và cũ
Khi một người mới gia nhập nhóm hay phòng của bạn, điều tất nhiên là giới thiệu họ với mọi người. Không nên chỉ dừng lại ở việc giới thiệu tên và những thông tin cá nhân, mà cần mở rộng việc giới thiệu thành một cuộc trò chuyện, thân mật, thoải mái.
Chắc chắn các nhân viên mới sẽ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ tên, vị trí, công việc của tất cả mọi người trong phòng. Vì vậy, bạn nên lập một danh sách các địa chỉ liên lạc quan trọng cùng tên, chức vụ, vai trò của những người làm việc với họ. Điều này vô cùng hữu ích để giúp họ ghi nhớ và tạo dựng các mối quan hệ trong tương lai.
3/ Làm quen với các phòng ban khác và văn hóa chung của công ty
Việc giúp nhân viên mới làm quen với các phòng ban, quy định của công ty cũng như các vị trí trọng yếu là điều vô cùng quan trọng. Bởi việc này giúp nhân viên mới có một cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp, bao gồm: lịch sử thành lập và hoạt động của công ty, các quy định, nguyên tắc, chính sách đối với nhân viên, chức năng của các phòng ban. Lãnh đạo nên cử người hướng dẫn họ làm quen, tìm hiểu công việc của các phòng ban khác nhau, để từ đó họ có cảm giác rằng mình có nhiều liên quan đến công việc chung.
4/ Cung cấp các nguồn lực cần thiết
Để giúp nhân viên mới hòa nhập nhanh và sẵn sàng cho công việc, bạn nên lập một danh sách những nguồn lực, thiết bị cần thiết như báo cáo hàng năm, các mạng nội bộ công ty, trang chủ hay bất kỳ tài liệu cho các dự án, kế hoạch gần đây của phòng. Việc tìm hiểu các thông tin từ các năm trước sẽ giúp họ có một cái nhìn tổng quát về kế hoạch, mục tiêu hoạt động của phòng, ban.
5/ Tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn
Không phải ai khi được tuyển dụng cũng hoàn toàn am hiểu về công việc. Mỗi công ty, doanh nghiệp lại có những yêu cầu và đặc thù riêng. Vì vậy, việc tổ chức các khóa training, hướng dẫn sẽ tạo điều kiện cho các nhân viên được học hỏi nhiều công việc , tạo dựng ra một nguồn nhân lực vững mạnh, ổn định.
Cũng trong quá trình đào tạo đó, bạn cũng có thể có thể phát hiện ra những nhân viên có tiềm năng trở thành một nhà quản lý hoặc làm việc tốt hơn ở các lĩnh vực chuyên môn khác để từ đó định hướng, hỗ trợ cho họ phát triển nghề nghiệp.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng bất cứ ai khi bắt đầu một công viêc mới thì sẽ không tránh khỏi những bối rối hoặc thất vọng. Vì vậy, hãy luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, cần giúp đỡ. Hãy dành thời gian để giúp nhân viên mới cảm thấy được chào đón, thoải mái và được ủng hộ. Bạn nên nhớ rằng: thời gian, công sức bạn đầu tư càng nhiều thì bạn sẽ càng nhanh chóng có một thành viên mới đầy năng nổ, hữu ích và trung thành trong công việc.
Việc hướng dẫn nhân viên mới hoàn toàn không dễ dàng. Nhưng nếu bạn thật sự tâm huyết, bạn sẽ tự tạo cho mình một đội ngũ nhân viên trung thành, có kiến thức chuyên môn và kỹ năng cao.
S.T Bảo Ngọc