Để nhân viên muốn gắn bó lâu dài thì doanh nghiệp phải đảm bảo chính sách đãi ngộ tốt, trong đó vấn đề lương bổng là yếu tố quan trọng và khá nhạy cảm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có chính sách rõ ràng về việc thay đổi chế độ lương mới theo thời gian. Nếu bạn đã gắn bó với công ty khá lâu và sếp thường dành cho bạn nhiều lời khen về thành tích công việc mà không đả động đến chuyện tăng lương thì bạn nên chủ động làm việc đó. Nhưng trước hết, hãy suy nghĩ thấu đáo 5 điều sau đây để đưa ra đề xuất phù hợp nhé!
Xem xét tình hình chung của công ty
Ai cũng muốn nhận một mức lương hấp dẫn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được ước muốn đó. Do vậy bạn nên xem xét tình hình chung hiện tại của công ty trước khi đưa ra quyết định phù hợp cuối cùng. Bởi sẽ thật không hợp tình hợp lý nếu doanh nghiệp đang khốn đốn mà bạn cứ nằng nặc đòi tăng lương.
Thực tế, việc phán đoán chính xác về sự phát triển của công ty là khó chắc chắn nếu như bạn không nắm giữ chức vụ quan trọng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể dựa vào các buổi trò chuyện cùng đồng nghiệp/cấp trên hoặc quan sát số lượng nhân sự phòng ban, môi trường làm việc để có được nhận định đúng đắn nhất. Nhờ vậy, bạn sẽ biết cân nhắc mức lương và phương án vẹn cả đôi đường.
Xác định rõ lý do về việc xin tăng lương
Tăng lương cũng là một hình thức thương lượng, mà nếu như vậy thì bạn không thể bước vào phòng cấp trên và “ú ớ”. Điều này sẽ khiến sếp có suy nghĩ không tốt về cách làm việc của bạn, thậm chí hiểu lầm về việc “làm mình làm mẩy”. Thay vì cứ đùng đùng xin tăng lương theo kiểu thích gì nói đó thì bạn nên bình tâm suy nghĩ và chọn những “cớ” tăng lương hữu hiệu nhất.
Thông thường, chúng ta có vài lý do phổ biến cho việc này như: lương thấp hơn mức bình quân thị trường; trách nhiệm cáng đáng công việc cao không phù hợp với lương. Khi bạn đã xác định rõ được “cái cần” thì khi trao đổi với sếp sẽ nhận nhiều “điểm cộng” thuyết phục hơn.
Việc tăng lương không có cụm từ “chắc chắn thành công” nên bạn cần nghĩ về tương lai thế nào khi bị khước từ. Bởi dù bạn có đưa ra các lý lẽ và trao đổi thuyết phục như thế nào thì phía công ty vẫn có lý do “chính đáng” để không chấp nhận.
Vì vậy bạn phải có kế hoạch dự trù sau khi “tăng lương thất bại”. Thực tế, xin nâng lương bất thành là một điều không quá tệ hại nếu như bạn đang có trải nghiệm tốt với công việc hoặc tài chính ổn định. Vì thế, sự chuẩn bị tâm lý trước khi “đòi” tăng lương sẽ giúp bạn tránh được các suy nghĩ và quyết định tiêu cực bởi cảm xúc thất vọng nhất thời.
Nghĩ về những phúc lợi khác
Bên cạnh mức lương cố định, chính sách còn gồm có nhiều phúc lợi kèm theo như thưởng lễ Tết, hoa hồng (dự án, sản phẩm) cùng nhiều phụ cấp riêng khác. Có một số ngành nghề, phúc lợi có khi còn quan trọng hơn tiền lương cố định, ví dụ như nhân viên kinh doanh là phần trăm hoa hồng. Do vậy, bạn nên xem xét đến các yếu tố “dự bị” này, bởi sẽ có trường hợp sếp sẽ không đồng thuận việc tăng lương nhưng chấp nhận nâng phúc lợi. Điều này giúp bạn tránh trường hợp xấu nhất là “ra về tay trắng”.
Những con số có đầy uy quyền trong các cuộc thương thảo, do vậy bên cạnh việc chuẩn bị rõ ràng những điều cần trao đổi với cấp trên thì bạn cần cụ thể hóa tất cả bằng “con số”. Bạn không thể dùng những “cao, phù hợp, tốt hơn” để nói về lương, vì đó là các tính từ mô tả vô cùng chung chung.
Tốt nhất, bạn nên vạch sẵn một con số khả dĩ cho mức lương mới. Tuy nhiên, cấp trên cũng sẽ không dễ dàng gật đầu lập tức cho cái bạn muốn. Thế nên, bạn cần đưa ra các “số dự bị” thấp hơn nhưng phải đảm bảo mọi thứ còn trong mức ước vọng của bạn.
S.T Bảo Ngọc