Vượt qua nhiều đối thủ để có được vị trí ưa thích, không ít bạn sinh viên đã vui sớm mừng mà quên mất rằng mình vẫn còn phải gây ấn tượng trong thời gian thử việc trước khi được tiếp nhận. Giao tiếp công sở chính là bước cơ bản đầu tiên giúp bạn gây thiện cảm với mọi người xung quanh. Tuần đầu tiên đi làm sẽ rất đáng nhớ nếu bạn biết cách giao tiếp với cấp trên và đồng nghiệp mới của mình.
Có thể bạn sẽ thấy lo lắng khi bước vào môi trường làm việc mới đầy bỡ ngỡ, mọi người nhìn bạn dò xét, những “con ma cũ” sẽ không bỏ qua bất cứ một cử chỉ hành động nào của bạn, dù bạn chẳng hề thấy họ nhìn mình. Nhưng bạn hãy coi đây là cơ hội tuyệt vời để bạn tạo ấn tượng tốt với sếp và những đồng nghiệp mới. Vậy làm thế nào để bạn tạo ấn tượng tốt đẹp ngay từ những ngày đầu tiên đi làm? Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn giao tiếp hoàn hảo ngày đầu đi làm:
1/ Nói ít đi và hành động nhiều hơn
Lời nói có thể khiến cuộc trò chuyện trở nên sinh động, tuy nhiên hãy chắc rằng bạn hành động nhiều hơn cả lời nói. Thay vì kể lể chuyện mình giỏi giang, tài năng thế nào thì bạn nên cố gắng làm tốt công việc hiện tại của mình để hoàn tốt nhiệm vụ được giao trong khoảng thời gian sớm nhất. Bởi lẽ dù bạn có làm gì đi nữa thì kết quả công việc mới chính là sự minh chứng tốt nhất cho mọi người thấy được khả năng của bạn. Hãy luôn để kiến thức và năng lực thực sự của bạn lên tiếng thay vì những lời ba hoa, nói nhiều hơn làm. Điều này giúp bạn tạo dựng được lòng tin nơi mọi người.
2/ Luôn thân thiện và lạc quan
Lời khuyên này khá rõ ràng và không cần giải thích gì thêm. Là nhân viên mới, điều cần nhớ là hãy chào và mỉm cười với tất cả những người bạn gặp kể cả khi bạn làm việc cho một công ty lớn, đông nhân viên và không biết ai với ai. Thậm chí khi không có ai đáp lại, bạn cũng không nên rụt rè, ngại ngùng hay thất vọng. Hãy bước đi với đầu ngẩng cao và nụ cười thân thiện trên môi. Đây là bước đầu tiên trong quá trình hình thành các mối quan hệ.
Mọi người sẽ ấn tượng trước thái độ lạc quan, vui tươi của bạn. Và chắc chắn sẽ có người bắt chuyện làm quen với bạn. Hãy cố gắng duy trì thái độ và hành động này trong mọi ngày làm việc để phát triển tình bạn lâu dài nơi công sở.
3/ Học cách giao tiếp với mọi người
Sự thành công của một nhân viên không chỉ phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp và sự siêng năng làm việc mà còn ở các mối quan hệ cá nhân và kỹ năng giao tiếp của họ. Dù làm việc một mình hay theo nhóm, bạn cũng cần luyện cho mình kỹ năng giao tiếp thông minh, nhạy bén thì kết quả công việc mới đạt hiệu quả cao. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội mới trong công việc và là tiền đề để bạn trở thành nhân viên nổi bật trong công ty.
4/ Tránh tỏ ra quá giỏi giang
Trong ngày đầu, mắc lỗi là điều khó tránh. Khi đồng nghiệp hay sếp trách phạt, bạn đừng vội cãi hay bào chữa. Hãy cứ nhận lỗi và sửa sai, bào chữa hay thanh minh thì để dịp khác.
Đừng cố tỏ ra giỏi giang, “lấy le” với những người đi trước. Thái độ “ta đây” của một nhân viên mới khiến những người cũ dè bỉu. Cũng đừng tỏ ra ngây thơ thái quá, cái gì cũng hỏi, họ sẽ nghĩ bạn chẳng biết làm gì. Ấn tượng đầu tiên tốt đẹp sẽ dành cho người nhân viên chăm chỉ, có thái độ ân cần học hỏi, không lãng phí thời gian bằng mấy trò “buôn dưa lê” hay “chát chít”.
5/ Chú ý tới các câu hỏi của sếp
Bằng việc để ý những câu hỏi sếp đặt ra hoặc những vấn đề đang khiến sếp bận tâm, bạn có thể rút ra được những thông điệp lớn hơn về những điều họ sẽ để ý trong tương lai. Và một khi bạn đã học được cách để tiên liệu trước những vấn đề ngay từ khi sếp chưa hỏi, rõ ràng giá trị của bạn đã được nâng lên một tầm mới.
6/ Chủ động xin ý kiến góp ý
Hãy chủ động xin ý kiến phản hồi từ cấp quản lý về những việc gì bạn đang làm tốt hoặc việc gì có thể làm tốt hơn. Đôi lúc những phản hồi có tính phê bình sẽ khiến bạn khó chịu nhưng đó lại chính là những điều hữu ích hơn cả bởi nó giúp bạn tiến bộ.
7/ Nắm bắt diễn biến các công việc xung quanh
Ngay cả khi nhiệm vụ bạn được giao là rất nhỏ, hãy tranh thủ mọi cơ hội có thể để thu thập, tìm hiểu thêm về lĩnh vực của mình cũng như toàn bộ việc kinh doanh của công ty. Nếu có thể nắm bắt được những thứ không trực tiếp liên quan đến mình, bạn sẽ nâng cao được hiểu biết của bản thân và từ đó nâng tầm giá trị của mình.
8/ Chủ động xây dựng kế hoạch làm việc
Khi bắt đầu một công việc mới, chắc chắn ai cũng sẽ gặp phải khó khăn, vướng mắc trong cách làm việc, giao tiếp với mọi người xung quanh. Chính vì vậy, điều đầu tiên bạn cần làm đó là lên kế hoạch để hoàn thành tốt công việc được giao, cũng như tiên liệu vấn đề mà bạn sẽ gặp phải. Từ đó, bạn sẽ có phương hướng để giải quyết thấu đáo cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước hay tích lũy kiến thức liên quan đến công việc. Chủ động sắp xếp và xây dựng kế hoạch làm việc vào những ngày đầu tiên sẽ tạo cho bạn nhiều năng lượng và niềm vui hơn hẳn.
9/ Tham gia các hoạt động ngoài công việc
Là nhân viên mới, bạn hãy tìm hiểu xem mọi người trong văn phòng có đi tối ở ngoài và nhậu nhẹt sau giờ làm vào ngày thứ 6 hay không. Nếu có, hãy tham gia cùng họ. Ra ngoài với đồng nghiệp, bên ngoài công việc sẽ giúp bạn nhận thấy tính cách thực sự của mỗi người.
Những hoạt động như thế sẽ tạo cơ hội để bạn nói chuyện với đồng nghiệp về những lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, đây là thời điểm thích hợp để bạn xác định ai là người mình muốn kết thân hơn và ai là người chỉ nên giữ mối quan hệ đồng nghiệp.
10/ Tạo dựng hình ảnh tích cực
Bạn là người có năng lực thực sự, có trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Tuy nhiên đôi khi bạn có thể không nhận được sự đãi ngộ xứng đáng với kết quả công việc nếu không biết cách tự tạo dựng hình ảnh bản thân trước sếp và đồng nghiệp. Hãy để mọi người thấy điều đó và hiểu rằng bạn là sự lựa chọn đúng đắn của công ty. Một hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tỏa sáng hơn hẳn các đối thủ khác. Đó cũng là cách tuyệt vời để bạn khẳng định chính mình.
11/ Nhiệt tình giúp đỡ mọi người
Nếu bạn cứ ngồi im một chỗ, cả ngày cắm mặt vào máy tính thì đừng trách tại sao chẳng thấy ai hỏi han, quan tâm gì đến mình. Dù bạn mới vào làm, chưa hiểu nhiều về công việc nhưng các đồng nghiệp vẫn cần đến sự giúp đỡ của bạn. Kể cả khi mọi người nhờ vả những chuyện không liên quan đến công việc thì cũng chẳng vội gì mà từ chối. Đó chính là cơ hội tốt để bạn từng bước tiếp cận và dần dần gia nhập văn hóa công ty.
12/ Đừng tỏ ra quá thân mật
Mới tuần đầu làm việc mà bạn đã xem nơi công sở như nhà riêng của mình. Bạn mang mọi thứ vào văn phòng, chưng diện những bức ảnh của mình, đặt sữa chua và thức ăn vào riêng một góc tủ lạnh, dùng ly uống café tùy tiện và bắt đầu mỗi buổi sáng bạn chỉ biết pha riêng cho mình một tách café. Đừng làm như thế với vai trò là một nhân viên mới. Đừng xâm phạm mảnh đất của người khác một cách tùy tiện như vậy. Nên nhớ, họ là những nhân viên làm việc lâu năm, bạn chỉ là một người mới đến.
13/ Tìm một “quân sư” tại cơ quan
Đây không nhất thiết phải là một “quân sư” thực sự như nghĩa đen của từ này mà chỉ đơn giản là một đồng nghiệp giàu kinh nghiệm hơn, một người bạn có thể dễ dàng trò chuyện cởi mở. Việc nói chuyện thường xuyên với một người có kinh nghiệm sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về đời sống công sở hay còn gọi là văn hóa của doanh nghiệp. Và nó sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua những tình huống khó khăn để thành công nhanh hơn.
14/ Lắng nghe cũng là một nghệ thuật
Trên hết lắng nghe là cả một quá trình bạn phải rèn luyện, vì đa phần mọi người thường thích thể hiện bản thân bằng cách truyền đạt quá nhiều thông tin, trong khi đó lắng nghe bị lãng quên và xem thường.
Cho dù bạn đã hiểu biết nhiều về công việc mới thì bạn cũng nên lắng nghe khi được cấp trên nói về công việc. Ở mỗi một môi trường, tính chất công việc lại có sự khác nhau nhất định. Do vậy việc lắng nghe sẽ giúp bạn ứng xử linh hoạt hơn khi bắt tay vào công việc.
15/ Chịu khó học hỏi
Trong tiếng Anh, sự ngu dốt là “ignorance”, và cái gốc của từ này là “ignore” có nghĩa là lờ đi. Nếu bạn chỉ lờ đi điều mà bạn không biết thì bạn sẽ không bao giờ trưởng thành được. Vậy nên đừng ngại ngần đưa ra lời trợ giúp, đề cao tinh thần học hỏi kinh nghiệm chuyên môn từ các anh chị đi trước và tiếp tục trau dồi thêm kiến thức từ sách vở. Những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất không chừng sẽ có ích cho cho sự nghiệp của bạn đấy.
16/ Chấp nhận những thử thách mới
Đừng ngại thử sức với nhiệm vụ công việc mà ít nhân viên nào dám đảm nhận. Những khó khăn, trở ngại có thể lại chính là một cơ hội dành cho bạn để ghi điểm trong mắt lãnh đạo. Nếu bạn dám chấp nhận đảm đương và làm tốt công việc được cấp trên giao phó thì đảm bảo bạn sẽ nổi bật trong mắt sếp và đồng nghiệp. Chỉ cần bạn luôn ghi nhớ rằng: đây là sự nghiệp, là tương lai của bạn, vì vậy đừng bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào đến với mình. Thử thách mới sẽ là cơ hội và trở thành nấc thang đưa bạn tiến xa hơn trong tương lai.
Thành công trong sự nghiệp của bạn phần nhiều có được từ việc xây dựng các mối quan hệ và ghi dấu ấn tốt đẹp với mọi người trong công ty. Hãy tiếp tục học hỏi và rèn luyện những bí quyết giúp bạn có thể trở nên bản lĩnh và cạnh tranh hơn trong môi trường công sở mới. Chúc bạn thành công!
S.T Bảo Ngọc