0912232334

CÁCH QUẢNG BÁ BẢN THÂN MÌNH ĐỂ ĐƯỢC PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy ngại khi nói về các thành quả và khả năng của mình bởi dễ mang tiếng khoe khoang gây phản cảm. Tuy nhiên, bạn cần cho người quản lý của mình thấy nỗ lực của bản thân và thành tựu đã đạt được nhằm mở rộng đường thăng tiến trong tương lai.

Sau đây là 5 cách giúp tự quảng bá bản thân mà không làm mọi người chán ghét, hãy cùng tham khảo nhé!

1/ Nói về công việc với sự đam mê

Một cách hữu ích khác để tự quảng bá mà không “bị ghét” là nói về công việc của bạn. Khi thể hiện sự nhiệt tình với công việc thì việc tự quảng bá sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Niềm đam mê rất dễ được cảm nhận, người nghe sẽ hiểu được, hưởng ứng và ghi nhớ. Nếu nói về công việc với sự đam mê, ngoài những thông tin nhận được thì mọi người sẽ liên tưởng ngay đến một người có năng lực, nhiệt huyết sôi sục, “sống chết” với điều mình theo đuổi. Không cần nói những điều rỗng tuếch dài dòng, bạn cũng đã tạo được ấn tượng tốt với mọi người rồi đấy!

2/ Chủ động giúp đỡ đồng nghiệp

Hành động này cho thấy bạn không chỉ hoàn thành sớm công việc của mình mà còn giúp đồng nghiệp làm tốt nhiệm vụ của họ. Chiến lược này có hiệu quả bởi bạn sẽ “lấy lòng” được đồng nghiệp đồng thời chứng tỏ khả năng của mình với người quản lý. Vì vậy, nếu bạn có một kỹ năng hoặc khả năng đặc biệt nào đó, hãy sử dụng nó để hỗ trợ người khác khi cần thiết. Ví dụ, bạn có nhiều “tuyệt chiêu” về Powerpoint và biết ai đó sắp có bài thuyết trình, hãy đề nghị được giúp đỡ. Người được hỗ trợ sẽ rất biết ơn và có xu hướng giới thiệu bạn với nhiều người khác. Điều này không chỉ giúp tạo ra các mối quan hệ tốt với đồng nghiệp mà còn là cách khéo léo để bạn được mọi người biết đến nhiều hơn bằng chính khả năng của mình.

3/ Tận dụng các phản hồi tích cực

Nếu bạn nhận được một email từ đồng nghiệp hoặc khách hàng khen ngợi bạn về một công việc đã làm tốt, hãy chuyển tiếp nó cho cấp trên kèm theo một câu xin ý kiến để sếp cảm thấy bắt buộc phải để ý đến. Ví dụ, “Tôi nghĩ đây là điều chúng ta đã thảo luận trong cuộc họp lần trước. Anh/chị có thấy chúng ta cần tiếp tục phương án này?” Bằng cách đó, cấp trên sẽ suy nghĩ và phản hồi email của bạn thay vì chỉ đọc lướt qua và quên lãng. Vì vậy, đừng chỉ chuyển tiếp đơn thuần mà hãy thêm ý kiến của bạn vào các email phản hồi tích cực tiếp theo nhé!

4/ Dùng sức mạnh của những câu chuyện

Bạn có biết rằng những câu chuyện kể thường khiến mọi người nhớ nhiều hơn là các lời nói khuyên răn thông thường? Thực tình là vậy vì não bộ sẽ dễ khắc ghi khi các sự kiện và các chi tiết được kết nối liền mạch. Điển hình là khi nghe một người nào đó nói về các câu chuyện, bạn sẽ hấp thụ “dai dẳng” những bài học, hay kinh nghiệm “xương máu” từ họ.

Do vậy, bạn hãy tập nói về các kỹ năng hoặc các trải nghiệm của mình thông qua các câu chuyện thực tế của bản thân. Điều này sẽ khiến người nghe không bị nhàm chán và họ cũng sẽ “nhớ” đến bạn một cách tự nhiên hơn. Thay vì “khoe khoang” “Tôi có hơn 100 nhân viên dưới quyền. Tôi có bằng Thạc sĩ…”, hãy “dệt” những thành tựu của bạn thành một câu chuyện nhỏ. Chẳng hạn, bạn đã đảo ngược tình thế một dự án tưởng chừng như thất bại, hãy nói về nguyên nhân vì sao dự án có thể không thành công và bạn đã làm gì để cải thiện điều đó.

5/ Thể hiện sự biết ơn với nhà quản lý và đồng nghiệp

Bạn có thể không thoải mái khi tự quảng bá mình nhưng lại sẵn sàng dành những lời tốt đẹp cho người khác, vậy sao không kết hợp khen ngợi họ và “ẩn ý” về điểm tốt của mình? Nếu bạn thực hiện thành công một dự án nào đó cùng đồng nghiệp, hãy nói sự nỗ lực của họ đã mang đến cho bạn những điều tuyệt vời gì. Đừng nói “Cô ấy làm tốt nhưng tôi làm tốt hơn”, điều này chỉ thể hiện bạn là người thích tranh công và khoe khoang. Tuy nhiên mọi thứ sẽ khác khi nói “Kết quả mà cô ấy đạt được giúp công việc của tôi thuận lợi hơn rất nhiều”.

S.T Bảo Ngọc

 

Not found