Có những điều tưởng như nhỏ nhặt trong khi giao tiếp nhưng lại giúp bạn đạt được những kết quả tốt đẹp vượt ngoài sự mong đợi. Đó có thể là: đem về cho công ty nhiều hợp đồng với những đối tác đầy tiềm năng, những cơ hội được thăng tiến trong sự nghiệp,… Chúng ta hãy cùng khám phá 9 bí quyết nho nhỏ có thể giúp bản thân tự tin hơn trong giao tiếp và đạt được những gì mình muốn nhé!
Nhớ tên người đối diện
Khi gặp đối tác, khách hàng hay sếp và đồng nghiệp mới, hãy nhanh chóng nhớ tên của họ và gọi một cách thân mật. Ví dụ, thay vì nói một cách chung chung: “Rất vui được gặp anh” hãy nêu tên cụ thể của người đó: “Rất vui được gặp anh Minh”. Họ sẽ cảm thấy mình được quan tâm và tôn trọng, sẽ giúp cho “cái tôi” của họ được nâng cao lên. Điều đó sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt trong lòng họ và công việc sau này của bạn sẽ rất thuận lợi nếu bạn áp dụng đều đặn nguyên tắc này trong giao tiếp.
Nói với giọng nhiệt tình, quyết đoán
Nói lí nhí là dấu hiệu của sự thiếu tự tin. Nếu là người nói chậm, bạn nên luyện tập cách nói to, nhanh và dứt khoát hơn. Còn nếu bạn là người nói khá nhanh thì hãy tập nói chậm lại, rõ ràng từng chữ một để người nghe có thể bắt kịp những gì bạn nói. Hãy ngẩng cao đầu và nói một cách rõ ràng, quyết đoán bằng tất cả sự nhiệt tình của bạn.
Không nói vòng vo
Khi được hỏi, hãy trả lời thẳng thắn và trực tiếp vào trọng tâm câu hỏi để tránh hiện tượng trả lời lan man, dài dòng nhưng không cung cấp đúng và đủ thông tin mà người hỏi muốn nhận được. Bạn có thể dành vài giây suy nghĩ nhưng đừng trả lời một cách vòng vo, vượt ra ngoài chủ đề cuộc đối thoại. Hãy nói một cách trực tiếp, rõ ràng để chứng tỏ sự tự tin của mình cũng như thể hiện sự tôn trọng thời gian của đối phương trong khi giao tiếp.
Tránh ậm ừ
Trong giao tiếp, những từ dư thừa như “à, ừ, ừm” vô tình đã tố cáo sự lo lắng, hồi hộp, sự thiếu tự tin hay không nắm rõ thông tin của bạn. Đặc biệt trong những buổi thuyết trình, sự ậm ừ sẽ khiến mọi người đánh giá thấp năng lực và kỹ năng của bạn. Vì vậy, bạn nên hạn chế tối đa thêm các từ đó trong cuộc nói chuyện của mình.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể “phản chiếu”
Ngôn ngữ cơ thể cũng quan trọng không kém lời nói. Theo Susan Constantine, một chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể, 90% giao tiếp của chúng ta là phi ngôn ngữ. Vì vậy, khi giao tiếp hãy chú ý tới ngôn ngữ cơ thể của bạn.
Đặc biệt, bạn nên tận dụng ngôn ngữ cơ thể “phản chiếu”, tức là có hành động giống như người nói chuyện cùng mình nhưng bạn phải thực hiện một cách tế nhị, khéo léo, tránh để người đối diện có cảm giác bạn đang trêu tức họ. Điều này rất hữu ích trong bàn bạc và tranh luận với đối thủ. Chẳng hạn, khi tranh luận một vấn đề nào đó, vị trí ngồi tương đồng hay tư thế đứng giống nhau sẽ gửi tới đối phương một thông điệp mạnh mẽ rằng: 2 bên có cùng cấp độ, ở thế ngang nhau và bạn muốn có một cuộc tranh luận đem lại lợi ích cho cả 2. Họ sẽ bắt đầu tin tưởng bạn. Nhưng cố gắng đừng hành động lộ liễu, dễ rơi vào thế đối đầu.
Hỏi lại những điều chưa rõ
Đây là cách bạn thể hiện sự quan tâm và tập trung cao độ vào cuộc nói chuyện. Điều đó, thể hiện bạn là con người lịch sự, biết tôn trọng người đối diện và họ sẽ đánh giá rất cao về bạn. Hơn nữa, hỏi lại những điều mình chưa rõ sẽ giúp bạn nhìn nhận và tương tác với người nói chuyện một cách chính xác, hiệu quả hơn
Tương tác qua ánh mắt
Ánh mắt có thể thể hiện sự tự tin, quả quyết và thấu hiểu. Người đối diện
sẽ biết bạn có thoải mái, tự tin và nắm được vấn đề trong cuộc nói chuyện
hay không thông qua ánh mắt của bạn. Hơn nữa, thông qua ánh mắt, bạn
sẽ hiểu được phần nào tính cách, nội tâm bên trong và nắm bắt được tâm
trạng, cảm xúc lúc đó của người đối diện để có cách nói chuyện phù hợp.
Tạo sự thân mật
Những cuộc nói chuyện thành công là những cuộc nói chuyện mang lại cảm giác như một cuộc trao đổi thân tình chứ không phải như một cuộc thẩm vấn. Hãy thoải mái, thân thiện khi giao tiếp, tỏ ra cứng rắn khi cần thiết và không nên liên tục ngắt lời đối phương. Hãy “thân mật hóa” những cuộc nói chuyện nhưng phải biết dừng ở một mức độ phù hợp. Nếu không bạn sẽ trở nên lố lăng, kệch cỡm trong mắt người khác.
Chứng tỏ khả năng giao tiếp qua văn viết
Bên cạnh nói, viết cũng là cách thức thể hiện phong cách giao tiếp của bạn bởi các công việc hiện nay đều đòi hỏi kỹ năng viết ở một mức độ nào đó, đơn giản nhất là qua email trao đổi công việc hằng ngày. Vì vậy, bạn có thể chứng tỏ sự tiến bộ trong kỹ năng giao tiếp của mình qua các bài viết trên blog, mạng xã hội… Tất nhiên, nội dung của chúng phải liên quan tới lĩnh vực của bạn. Văn viết cũng là một cách thể hiện tính cách và phẩm chất của con người của bạn.
Giới thiệu Khóa học kỹ năng giao tiếp tại Cuộc Sống Đúng Nghĩa