0912232334

KHI CÔNG VIỆC BẠN QUÁ NHÀM CHÁN

Trong cuốn sách “Ba dấu hiệu về một công việc nhàm chán”, Patrick Lencioni đã nêu ra các dấu hiệu cơ bản giúp chúng ta nhận ra một công việc nhàm chán, khiến bạn mãi là một nhân viên “quèn”, vô danh nơi công sở:

1/ Tồn tại cũng như không

Đó là khi, sự tồn tại của bạn ở công ty trở nên vô nghĩa, công việc bạn đang làm chẳng có gì quan trọng để mọi người phải chú ý. Kể cả người quản lý nhiều khi cũng quên mất sự hiện diện của bạn trong công ty. Bạn hoàn toàn bị lu mờ bởi những người xung quanh, nhất là những ai mang về cho công ty nhiều lợi ích.

2/ Không nhìn thấy hiệu quả công việc

Lúc này, bạn rơi vào tình trạng bất lực vì bạn không thể đánh giá được những đóng góp của mình đối với công ty. Bạn thường phải trông đợi vào ý kiến của đồng nghiệp, của người quản lý để đo lường mức độ thành công của bản thân.

Với những dấu hiệu đó, bạn có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi vì không bao giờ có thể “mở mày mở mặt”. Tuy nhiên, theo Lencioni, vẫn có cách để đối phó với tình trạng công việc nhàm chán, không có tương lai như thế bằng cách tạo cho bản thân sự năng động, sáng tạo, tăng độ hào hứng với công việc.

a/ Thể hiện mình

Điều quan trọng lúc này là bạn phải thể hiện được năng lực, mong muốn của mình với người quản lý. Người quản lý cần hiểu rõ năng lực của bạn, biết bạn có định hướng, mục tiêu nghề nghiệp như thế nào để có sự sắp xếp phù hợp.

Đừng ngần ngại chia sẻ nguyện vọng của bản thân, để sếp hiểu hơn về bạn. Lencioni còn gợi ý người lao động có thể đề nghị sếp giải thích xem, công việc họ làm có gì khác biệt và nổi bật so với những nhân viên khác. Khi sếp hiểu đúng, hiểu rõ vấn đề, chắc chắn sẽ có cái nhìn khác về bạn.

Ngoài ra, bạn phải tìm cách quản lý được hiệu quả công việc đang làm, lấy đó làm cơ sở để sếp đánh giá khả năng của bạn.

b/ Suy nghĩ về mục tiêu dài hạn

Bạn cần suy nghĩ nghiêm túc mục tiêu, mong muốn của bản thân, xem bạn cần điều gì và mong muốn những gì trong sự nghiệp. Đây cũng là lúc bạn nên xem xét điều gì quan trọng hơn trong cuộc sống của mình để có lựa chọn cho phù hợp.

c/ Chủ động và dũng cảm

Tuy nhiên, Richard Phillips – người sáng lập Advantage Solutions khuyên rằng, bạn nên có sự chủ động và phải thực tế trong công việc. Đừng ngồi yên đợi người quản lý chú ý và đánh giá đúng về mình. Chẳng có gì là tự nhiên cả, mọi thành công đều phải đến từ sự nỗ lực không ngừng của bạn. Một khi bạn cảm thấy không thể thích nghi với công việc hiện tại, hãy dũng cảm thay đổi. Đừng ngại sự thay đổi gây khó khăn cho cuộc sống.

3/ Không phù hợp

Tình trạng này xảy ra khi bạn cảm thấy công việc không phù hợp với năng lực, hoàn cảnh và đời sống riêng tư, bạn không tìm thấy sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân với công việc. Chẳng hạn, công việc đòi hỏi thường xuyên phải đi xa, phải đi sớm về muộn hay đi làm thêm cả ngày nghỉ khiến bạn mệt mỏi vì bận rộn bù đầu với công việc, không có thời gian nghỉ ngơi bên người thân, gia đình…

Bạn không thể hy sinh cuộc sống riêng để toàn tâm toàn ý với công việc. Lúc đó, bạn rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, và dần dần cảm giác chán nản xâm chiếm khiến bạn có suy nghĩ phó mặc mọi việc. Một công việc không phù hợp khiến bạn không thể tìm thấy mình trong đó và luôn phải làm phiền đến những người xung quanh.

Con đường sự nghiệp với nhiều lựa chọn nhưng điều quan trọng là bạn phải đưa ra được sự lựa chọn sáng suốt cho bản thân. Một khi công việc hiện tại không triển vọng, bạn hãy mạnh dạn tìm kiếm, nắm bắt cơ hội mới, quyết định xem cuộc sống của mình sẽ gắn bó với nghề nghiệp gì. Dù quyết định thế nào, bạn cũng phải xét đến sự phù hợp giữa công việc với bản thân bạn, với cá tính, trình độ, kinh nghiệm bạn có. Đừng lựa chọn sự nghiệp chỉ vì tiền, để thoát khỏi tình trạng chán nản hiện tại hay bất kỳ lý do nào khác. Điều quan trọng là bạn phải thực sự yêu thích, cảm thấy phù hợp bởi đây mới là yếu tố giúp bạn phát triển trên con đường sự nghiệp.

S.T Bảo Ngọc

{"wp_error":"cURL error 60: The certificate issuer's certificate has expired. Check your system date and time."}